LÀO CAI - Theo National Geographic, vườn quốc gia Hoàng Liên với cảnh thiên nhiên hoang sơ thích hợp để trekking và trải nghiệm cuộc sống của người dân tộc.
Tháng 1, nhà báo Mike Ives và nhiếp ảnh gia Ian Teh khởi hành từ Hà Nội đến Sa Pa qua một chuyến tàu đêm. Họ muốn tìm hiểu công việc canh tác thảo quả ở vườn quốc gia Hoàng Liên, nơi có diện tích lớn gấp đôi thành phố San Francisco, Mỹ.
Theo National Geographic, Sa Pa là một trong những điểm đến nổi bật với vẻ đẹp tự nhiên và sự đa dạng sinh học. Thị trấn nằm cạnh ngọn núi cao nhất Việt Nam, với vườn quốc gia rộng lớn. Ở đây, du khách có thể trải nghiệm trekking và khám phá cuộc sống của người dân tộc thiểu số.
Sau khi đến thành phố Lào Cai, Mike và Ian di chuyển tới Sa Pa để gặp Lang, một phụ nữ địa phương đưa họ tham quan nơi trồng thảo quả. Con đường dẫn vào khu trồng chỉ có thể đi bằng xe máy. Họ vượt qua những đoạn suối nước cao trên đầu gối, lối đi bị che khuất bởi bụi cây và hoa dại. Trên ảnh là những người trồng thảo quả lên núi ở vườn quốc gia, gần biên giới Việt - Trung.
Vườn quốc gia Hoàng Liên được thành lập năm 2002, là một trong nhiều khu vực được bảo vệ, có nhóm các dân tộc thiểu số sinh sống. Bên trong khu rừng, những cây cổ thụ có thân phủ rêu phong vươn cao. Bên dưới là những cây thảo quả, nguồn thu nhập chính của người dân bản Tả Van, ngoài nguồn thu từ du lịch.
Thảo quả đen được trồng ở dãy núi Hoàng Liên Sơn từ những năm 1990. Chúng thường mọc dọc theo lòng suối ở những khu rừng, dưới tán cây cao. Đây là loại quả thường được dùng làm gia vị phở, cùng quế và hồi. Loại quả này còn được bán cho các nhà thương lái Trung Quốc, để sử dụng làm phương thuốc trị táo bón trong y học cổ truyền. Trong những năm qua, nhu cầu tiêu thụ tăng đã biến Sa Pa trở thành trung tâm giao thương thảo quả đen.
Những người thu hoạch thảo quả dựng một khu cắm trại bên bờ sông, nơi họ ăn, ngủ, sấy thảo quả trong những ngày ở đây. Sau bữa sáng với cơm, thịt lợn muối béo ngậy và cà phê hòa tan, nhóm người chia thành 2 đội để thu hoạch. Đến cuối chiều, khi trở lại trại, họ sẽ sấy thảo quả với lửa vừa đủ và thưởng thức bữa tối.
Trở lại thị trấn sau những ngày theo chân Lang, Mike và Ian nghỉ trong bản Tả Van. Trên ảnh là người phụ nữ địa phương đun nước, chuẩn bị bồn tắm dược liệu cho du khách. Trong đó, thảo quả là một nguyên liệu.
Quảng trường là một trong những điểm tham quan chính của thị trấn. Ở đây, nhiều trẻ em người Mông thường bán các món quà lưu niệm thủ công.
Khu chợ Sa Pa là nơi tập trung nhiều quầy hàng. Ở đây cũng bán món phở địa phương, dậy mùi từ các loại gia vị thơm, bao gồm thảo quả đen.
Ngoài ra, du khách cũng có thể tới thị trấn Bắc Hà, cách trung tâm Sa Pa khoảng 100 km để tham quan chợ phiên cuối tuần, nơi người dân bán gia súc và các đồ thủ công.
Sa Pa cũng nổi tiếng với các món nướng. Mỗi quán có công thức ướp nguyên liệu riêng, trong đó thảo quả là một gia vị không thể thiếu. Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức các món ăn từ cá hồi, cá tầm tươi sống trong các nhà hàng quanh hồ Sa Pa. Cá suối chiên giòn, thắng cố cũng là những món ăn gợi ý.
Đến Sa Pa, du khách cũng đừng quên tham núi Hàm Rồng. Khi không có sương mù, bạn có thể ngắm cảnh núi rừng thị trấn.
Ngoài ra, đỉnh núi cao nhất Việt Nam, Fansipan cũng là điểm đến không thể bỏ lỡ. Bạn có thể chọn các tour leo núi vào thứ 6 hoặc đi cáp treo với giá 30 USD (700.000 đồng) vé khứ hồi.
Sa Pa được bao quanh bởi các bản làng dân tộc thiểu số, kết nối với nhau bằng những con đường ngoằn ngoèo. Du khách có thể đăng ký các gói trekking tại thị trấn. Các gói ở độ khó khác nhau bao gồm homestay nghỉ trên đường.
Nguồn: Vnexpress